Bạn có triệu chứng hắt hơi liên tục kèm nước mũi chảy giàn giụa, khô họng, ngạt mũi những lúc thời tiết giao mùa. Đây chính xác là những dấu hiệu xảy ra thường xuyên, gây khó chịu với những người mắc viêm mũi dị ứng. Vậy cùng tìm hiểu viêm mũi dị ứng là gì và cách điều trị bệnh này qua bài viết dưới đây của Eva79.
Viêm mũi dị ứng là gì?
Đây là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải từ virus, vi khuẩn mà do các tác nhân từ môi trường bên ngoài như phấn hoa, lông động vật, lông sâu, bướm, khói bụi,… Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI) thì trên thế giới có khoảng 10-30% người mắc chứng viêm mũi dị ứng. Hắt hơi là một dạng phản ứng của cơ thể để chống lại dị nguyên này.
Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng sau đây:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Bệnh này xảy ra chỉ ở một vài thời gian nhất định trong năm.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Đây là tình trạng mà bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi bạn đều bị kích ứng và bị viêm.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Hầu hết người mắc bệnh này sẽ có các biểu hiện như: hắt hơi liên tục, sổ mũi, ngứa mũi, mắt, ho, nghẹt mũi, viêm hoặc ngứa họng, chảy nước mắt, có quầng thâm dưới bọng mắt, dấu hiệu đau đầu thường xuyên,…
Trường hợp nếu bạn có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay hay khám nội soi mũi thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong cũng đều là những triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Nguyên nhân bệnh viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây nên viêm mũi dị ứng là do cơ thể bạn giải phóng histamin khi tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Histamin là một chất hóa học tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài xâm nhập vào. Nhưng nó lại gây phản ứng quá mức và gây ra tình trạng bệnh này.
Tác nhân gây dị ứng trong nhà
Các tác nhân gây dị ứng trong nhà gồm có: bụi, lông chó mèo, lông vải từ quần áo, chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm hay nấm mốc,…
Tác nhân gây ra dị ứng bên trong không khí
Các tác nhân gây dị ứng trong không khí gồm có: phấn hoa, lông sâu, bướm, bụi lúa trong mùa gặt, khói, bụi, mùi rác thải, gió, chuyển giao thời tiết,…
Chất gây ra dị ứng nghề nghiệp
Các tác nhân gây dị ứng nghề nghiệp gồm có: bụi phấn ở trường học, hóa chất trong các nhà máy, sợi vải trong các xưởng may, lông động vật trong các lò giết mổ, khói hương nhang trong các đền chùa, bụi xi măng, bụi gỗ,…
Các yếu tố gây ra tình trạng bệnh này tiềm ẩn ở mọi nơi. Chính vì điều đó mà chứng bệnh này rất dễ tái phát lại. Những người thường xuyên xịt rửa mũi thì các triệu chứng thường được giảm nhẹ hơn.
Biến chứng của viêm mũi dị ứng
Nhiều người thắc mắc viêm mũi có nguy hiểm không? Bệnh này nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi, viêm loét vùng tiền đình mũi. Ngoài ra còn có các biến chứng khác như viêm họng, viêm phế quản, viêm xoang.
Đối với biến chứng viêm phế quản có thể gây nguy hiểm cho trẻ em nếu không điều trị kịp thời. Viêm phế quản có thể lan xuống gây viêm phổi, suy hô hấp và đe dọa đến tính mạng trẻ.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Để chữa bệnh này bạn có thể áp dụng nhiều cách như sau:
- Thuốc điều trị: Bạn nên dùng các loại thuốc chứa kháng histamin (theo chỉ định của bác sĩ).
- Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi: Dùng thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi cũng có thể giúp bạn giảm ngứa và các triệu chứng liên quan đến các dị ứng khác trong 1 thời gian ngắn (dùng theo chỉ định của bác sĩ).
- Các biện pháp khắc phục tại nhà: Biện pháp này phụ thuộc vào các chất gây dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng theo mùa hoặc phấn hoa thì nên tránh những nơi nhiều cây cối. Bạn dùng máy hút ẩm hoặc bộ lọc không khí dạng hạt để kiểm soát dị ứng lúc ở trong nhà. Nếu bạn bị dị ứng với bụi, mạt nhà thì hãy giặt tấm trải giường và chăn mền của mình bằng nước nóng trên 55 độ C. Đeo khẩu trang nếu bạn bị dị ứng với các tác nhân ở nơi bạn làm việc.
Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng
Để phòng ngừa bệnh này nhiều bác sĩ khuyên nên:
- Tăng cường hệ miễn dịch: Khi miễn dịch yếu, cơ thể bạn rất dễ bị dị ứng. Do đó, bạn nên tăng cường hệ miễn dịch cho mình. Đây cũng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể bạn tránh khỏi căn bệnh khó chữa này.
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng: Khi biết bản thân bị dị ứng với chất gì, bạn hãy cố gắng tránh tiếp xúc với nó. Đeo khẩu trang những nơi có nguy cơ xuất hiện các chất gây dị ứng là biện pháp phòng vệ tốt cho bạn.
- Bảo vệ tai mũi họng: Tai mũi họng là hệ thống thông với nhau bạn nên bảo vệ vùng tai và họng thật tốt. Điều này sẽ giúp mũi khỏe mạnh hơn và giảm được nguy cơ bị viêm mũi nặng hơn.
Trên đây là tất cả những thông tin về bệnh viêm mũi dị ứng mà Eva79 tổng hợp cho bạn. Hy vọng với những thông tin mà Eva79 cung cấp bạn sẽ hiểu hơn về cách phòng tránh căn bệnh này.
>>>Xem thêm: Bệnh viêm da dị ứng – Nguyên nhân và triệu chứng